Trải qua thời gian và những thăng trầm lịch sử, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Bình đã kế thừa những giá trị tinh hoa do cha ông để lại. Đến nay, các thế hệ nghệ nhân và thợ đá đang tiếp nối, không ngừng sáng tạo, để khẳng định bản sắc của làng nghề truyền thống vùng đất cố đô.
Bằng bàn tay khéo léo và sự tinh nhạy, những người thợ làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã biến những khối đá vô tri trở thành các tác phẩm nghệ thuật có “hồn”, chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của cả vùng đất cố đô. Cũng nhờ có làng nghề đá cổ truyền mà biết bao thế hệ đã tiếp nối, chắp cánh cho những ước mơ bay xa.
Mặc dù có tuổi đời từ hơn 400 năm, nhưng làng nghề chỉ thật sự phát triển khoảng 20 năm trở lại đây, khi nhu cầu về các sản phẩm bằng đá của người dân tăng cao. Theo thống kê, hiện nay Ninh Vân có tổng số 80 doanh nghiệp, 600 tổ hợp sản xuất và 1.600 hộ chế tác đá, với hơn 3.000 lao động, chiếm 83% số lao động trong toàn xã, 10 làng trong xã được công nhận là làng nghề truyền thống, tổng doanh thu của làng nghề đá mỹ nghệ mỗi năm đạt gần 200 tỷ đồng. Việc duy trì và phát triển làng nghề Ninh Vân trước đây chủ yếu theo hình thức cha truyền con nối. Các sản phẩm không bị mai một theo thời gian mà ngày càng tinh xảo, bởi các thế hệ sau đã tìm tòi nhiều kỹ thuật chạm khắc đá mới, tiên tiến.
Thời kỳ đầu, thợ chế tác đá chủ yếu làm các sản phẩm đơn giản phục vụ mùa màng, như cối giã, cối xay, con lăn trục lúa… Lâu dần, sản phẩm của làng nghề đa dạng, phong phú hơn, được chia thành nhóm sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ (phù điêu đá, đài phun nước, con giống đá,…) và nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh (lăng mộ đá, đồ thờ bằng đá, cuốn thư đá…).
Cho đến hiện tại, các sản phẩm có sự tham gia chế tác của các nghệ nhân làng nghề đã ghi dấu trên khắp cả nước, với các tác phẩm như: Cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP Hồ Chí Minh, cụm tượng đài Nghĩa trang Trường Sơn, cụm tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước ở Quảng Trị, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Bác Hồ ở Nghệ An, tượng Trần Hưng Đạo ở Chí Linh (Hải Dương), tượng đài Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn, cụm tượng đài Pắc Bó ở Cao Bằng… Riêng tại Ninh Bình, các công trình mang nhiều ý nghĩa văn hóa – lịch sử đều có dấu tay những người thợ chế tác Ninh Vân, như: nhà thờ đá Phát Diệm, đền thờ vua Đinh – vua Lê, cổng chào khu du lịch Tam Cốc – Bích Động…
Thành công của sản phẩm làng đá mỹ nghệ Ninh Bình có phần đóng góp của doanh nghiệp và những nhà quản lý giàu nhiệt huyết với quê hương. Những năm vừa qua, các doanh nghiệp đã đầu tư quảng bá, tìm kiếm đầu ra và không ngừng thúc đẩy cải tiến mẫu mã, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân tại làng nghề chạm đá mỹ nghệ Ninh Vân, giúp họ gìn giữ tình yêu với nghề và theo đuổi nghề truyền thống của cha ông.